Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ – Kỳ 28: Phật Pháp Bất Ly Thế Gian Giác (tt)

Một Cánh Cửa Khác

            Lần nọ, một thí chủ còn trẻ đến chùa, dáng người không cao, hơi ốm, có vẻ dị tật, lúc đi mới thấy chân thấp chân cao như người ta thường nói: đi kiểu chấm – phẩy. Nhưng anh ta có biệt tài nói chuyện rất hay, thường bàn luận kinh điển với quý sư phụ trong chùa, thu hút cả sự chú ý của tôi và điệu Đức.
            Có lúc, tôi nhịn không được, đã chen vào câu chuyện của anh với quý thầy. Anh ta chú ý tôi, tìm một vài chủ đề trao đổi riêng với tôi. Quan điểm của anh rất đặc biệt, lời nói của anh đều hợp tình hợp lý. Tôi hỏi anh là cư sĩ đã bao nhiêu năm rồi? Anh ta lắc đầu, trả lời : chỉ mới tìm hiểu Phật Pháp chừng một năm trở lại thôi.
            Mọi người nghe anh nói đều ngạc nhiên, mới một năm mà hiểu Phật Pháp thâm sâu như vậy, sức lãnh ngộ không phải tầm thường. Anh nói, anh không phải thiên tài gì, anh mới tốt nghiệp đại học khoa ngữ văn, thành tích chỉ trung bình.
 
            Ra trường, anh làm trong một cơ quan nhà nước, phụ trách công việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ và các cửa hàng ăn uống trên thành phố. Cũng độ này năm ngoái, anh đến kiểm tra tại một nhà hàng lớn có tiếng. Nhà hàng đó tuy lớn nhưng phòng nấu ăn không được vệ sinh lắm. Nghe báo có đoàn đến kiểm tra liền cho nhân viên quét dọn vội vàng, chỉ một loáng là nhà bếp đã sạch sẽ gọn gàng, tươm tất đâu ra đấy.
            Do vì mới vừa được lau quét nên nền nhà còn ướt và trơn khiến anh trong lúc tác nghiệp đã bị té ngã gãy chân, phải nằm viện rất lâu mới đi lại được, nhưng đã thành tật chân thấp chân cao suốt đời. Trong thời gian nằm viện, không đi lại được nên buồn. Thấy vậy, một người bạn đem cho anh một số sách Phật học để xem cho đỡ buồn chán. Anh mới đầu chỉ có chút thú vị, dù gì đi nữa cũng không thể làm việc gì khác, sẵn tiện nghiên cứu Phật học, ngờ đâu càng xem càng thích, càng có nhiều tâm đắc.
 
            Sau một năm, anh đã có thể đi lại bình thường, sự nhận thức về tri thức Phật học cũng tích lũy được tương đối cao. Có thể nếu không gặp tai nạn phải ở nhà trong một năm, chưa chắc anh đã có thời gian và sức tinh chuyên tĩnh tâm nghiên cứu Phật học, nhưng chính sự cố tai nạn đã khiến anh có cơ hội tìm hiểu Phật Pháp.
 
            Trước đây từng có một người khuyết tật hỏi tôi: nên đối diện với tình huống của mình như thế nào? Nay thì tôi sẽ trả lời người ấy rằng: Người khuyết tật nếu so sánh sức làm việc với người bình thường thì không bằng; nhưng nhờ vậy mà họ có cơ hội làm việc khác tốt hơn.
 
            Cuộc đời rất bình đẳng, khi cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác liền mở ra. Có sở đoản là có sở trường. Điều chúng ta cần làm là tìm ra sở trường của chính mình để sống lạc quan hơn giữa cuộc đời này. Nhất là chúng ta phải biết tận dụng cả những thuận duyên và nghịch duyên đến với chúng ta.
 
            Chúc bạn rút ra được bài học qua câu chuyện này
            Thân mến chào bạn.

Xem thêm