Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ – Kỳ 23: Phật Pháp Bất Ly Thế Gian Giác

Ánh Sáng Trong Sân Chùa
 
Chùa quê tôi tuy không phải là nơi có nhiều khách hành hương, song vẫn thường có người đến viếng và thắp hương.
Có cô Phật tử , mọi người thường gọi là Cô Út, một năm đến chùa mấy lần, thành khẩn khấn nguyện trước tượng Phật, còn cúng tiền hương đèn. Cô đến nhiều lần, riết thành quen thuộc. Thầy trụ trì cũng tiếp chuyện với cô thân hơn các Phật tử khác.
Cô Phật tử này thắp hương xong hay đến chuyện vãn với Thầy. Chúng tôi biết chồng cô làm cán bộ trong thị trấn, cuộc sống ổn định vui vẻ.
Giờ đây, do chồng cô làm cán bộ ngày càng to, bắt đầu có người ghen ghét, tìm cách hãm hại. Cách một thời gian lại có thư nặc danh gởi cho Ban Thanh Tra Nhà Nước kể nhiều việc không hay về ông. Lời đồn đại không ngớt, thường thường có người lén dòm ngó cuộc sống riêng tư của họ. Cô Út rất lo lắng, đến ngủ cũng không yên ổn, lo cho chồng xảy ra việc không hay, nên cô hay đến chùa cầu nguyện. Trong lời khấn nguyện của cô, quan trọng nhất là cầu Phật phù hộ cho chồng.
Cô kể chuyện với thầy trụ trì, đến đoạn thương tâm, thường không cầm được nước mắt. Cô hỏi Thầy: Nếu như có biện pháp nào hay để tiêu trừ ách nạn, như tổ chức pháp sự hay trai đàn… dù tốn kém mấy cô vẫn làm.
Lần đó, thầy trụ trì bảo cô: “Chỉ cần thành tâm cầu Phật gia hộ, làm việc gì cũng thanh bạch, thì hẳn nhiên không xảy ra chuyện gì”
Nghe câu trả lời của Thầy, cô không hài lòng lắm, vẫn không thể an tâm, nên lâu lâu lại hỏi Thầy một lần. Thầy liền chỉ ra sân chùa bảo: “Hãy cầu nguyện hào quang Phật chiếu soi vào sân, rồi chiếu đến gia đình của cô”.
Nghe vậy, cô mới hài lòng, an tâm trở về nhà.
Tôi ngó ra sân, thấy ánh nắng tuy rất gắt nhưng vẫn còn vài góc ánh mặt trời không thể nào chiếu tới được.
Thầy tôi nói: “Nếu như muốn được ánh nắng mặt trời chiếu soi, phải đứng vào giữa sân. Nếu cứ trốn vào góc sân thì Phật cũng không cách nào giúp được”
 
* * *
 

Chìa Tay Ra Là Tình Yêu Quanh Ta

             Sáng sớm, thầy trụ trì bảo tôi đem một phong thư đên cho sư phụ chùa Bảo Quang. Tôi vừa gật đầu phụng mệnh thì chú điệu Đức chen vào: “Sư phụ, để con đi cho”
            Sư phụ cười ra tiếng, trêu chú Đức: “Con đi, sợ nửa đường có ông kẹ bắt mất”
            Điệu Đức hớt ngang: “Vậy cho con đi theo sư huynh, đi Thầy!”
            Á, thì ra chú muốn ra ngoài chơi. Sư phụ thấy tội nghiệp nên đồng ý.
            Điệu Đức mừng rỡ chạy về phòng, lát sau trở ra đeo thêm một cái túi xách nhỏ sau lưng. Tôi hỏi: “chú mang theo cái túi mần chi?” Chú cười tít mắt : “Em sợ giữa đường sư huynh mua đồ ăn, cầm không hết, nên chủ động đem theo cái túi này”
            Tôi dắt chú Đức đi nhanh đến chùa Bảo Quang. Giữa đường, chú không ngừng dừng lại trước các tiệm bán đồ ăn, đồ chơi với ánh mắt thèm thuồng của đứa con nít “chân chính”. Tôi làm ngơ giả bộ không nhìn thấy. Cuối cùng, không đành lòng, đến dưới chân núi chùa Bảo Quang, tôi mua cho chú một chai nước cam.
            Gần chùa Bảo Quang có nhiều điểm du lịch nên nhà cửa xây trên núi trông rất đẹp mắt, khách hành hương cũng nhiều hơn so với chùa thầy tôi. Hôm đó đúng vào ngày nghỉ, người lên núi đông đảo. Sợ điệu Đức lạc đường, tôi liền nắm chặt lấy tay chú. Chợt chú nói nhỏ vào tai tôi: “Sư huynh, có một bà già cứ theo sau lưng mình kìa!”
            Tôi quay đầu nhìn lại: phía sau không xa, có một bà lão lam lũ, trên trán toàn nếp nhăn, trên lưng đeo một cái bao ni lông đã sờn rách, trên tay cầm mấy cái vỏ chai không. Bà ta cứ nhìn vào chai nước mà chú Đức uống chưa hết. Tôi chợt hiểu là bà chờ chú uống hết để xin cái vỏ chai. Tôi ra dấu bảo chú uống cho mau để cho bà vỏ chai. Bà lão vui mừng nhận cái vỏ chai.
            Đức hỏi tôi: bà ấy xin vỏ chai làm gì. Tôi nói cho Đức biết bà xin vỏ chai để đem bán lấy tiền. Đức liền kêu lên: “Sư huynh, em khát nữa rồi!” Tôi ngạc nhiên một tí nhưng liền hiểu ngay chú ta đang muốn gì. Tôi liền mua thêm cho chú một chai nước suối. Nhận chai nước từ tay tôi, Đức uống một hơi cạn luôn chai nước rồi đưa vỏ chai cho bà lão.
            Sau khi đưa thư cho sư phụ Bảo Quang xong, chú Đức rủ tôi đi nhặt rất nhiều vỏ chai do khách du lịch quăng bỏ, mang đến cho bà lão. Bà vui mừng cám ơn rối rít. Tôi nhìn gương mặt trẻ thơ nhễ nhại mồ hôi đang cười tươi như hoa của người sư đệ mà lòng cũng lây cái vui của chú.
            Cuộc đời vô thường nhưng không phải ai cũng được đầy đủ. Những vỏ chai không có thể quăng bỏ đi, nhưng cũng có thể trở thành bữa cơm cho kẻ khác.
            Có ai biết, khi chìa tay ra, là tình yêu quanh ta.
 
            Thân chúc bạn có nhiều tình thương nho nhỏ trong cuộc sống.

Xem thêm