Lễ hội của muôn triệu tấm lòng!

Trong ba ngày từ 19-9 đến 22-09, lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động truyền thống. Phần lễ với những nghi thức Lễ thượng cờ, thỉnh sắc thần, an vị niệm hương, lễ thỉnh an vị thần, lễ tế quan Phó, lễ tế đàn cả, lễ tế cụ Nguyễn, lễ dâng hương, lễ rước sắc thần từ cổng Tam Quan về đình, lễ dâng hoa… Không gian của lễ hội cũng được mở rộng hầu hết các địa điểm vui chơi, giải trí trong nội của TP. Rạch Giá với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Đình thần ở Rạch Giá

Trước ngày diễn ra lễ hội truyền thống kỷ niệm 146 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực, chúng tôi đã đến thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, phía tây trung tâm TP. Rạch Giá. Ngôi đình đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, ngày 22-3-1998. Tại đây, nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của cụ Nguyễn cũng vừa được khánh thành.

Người quản lý ngôi đình cho biết, trước kia đình chỉ là một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá, do ngư dân trong vùng dựng lên để thờ thần Nam Hải. Qua nhiều lần sửa chữa, mở rộng đến nay ngôi đình đã trở nên khang trang, bề thế như hiện nay. Điều đặc biệt của ngôi đình, tất cả kinh phí, công cán tu bổ, xây dựng đều do nhân dân tự nguyện đóng góp.

Ngôi đình có kiến trúc xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm: chánh điện, Tây Lang và Đông Lang. Cổng đình có ba cửa, giống cổng tam quan. Cột, kèo bằng bê tông, mái lợp ngói ống. Mái đình trang trí cảnh hai rồng tranh ngọc. Góc mái đắp hình lá cúc cách điệu, các mảng phù điêu bằng xi măng cẩn những mảnh gốm nhiều màu. Cửa đình có hai cột đắp nổi hình rồng uốn lượn quấn quanh cột từ phía dưới lên trên. Trên nóc đình có bức hoành phi bốn chữ “Anh khí như hồng” – khí tiết của người anh hùng rực rỡ như cầu vồng bảy sắc.

Bên trong chánh điện có ba ngai thờ chính. Chính giữa là ngai thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; bên trái thờ Đức Phó cơ Nguyễn Hiền Điều, Phó lãnh binh Lâm Quang Ky; bên phải thờ thần Nam Hải trước cửa có lăng mộ cụ Nguyễn Trung Trực, một hòn non bộ bên gốc đa cổ thụ tỏa bóng sum suê, râm mát.

Xã hội hóa lễ hội

Theo ông Bùi Văn Thành, Ủy viên Ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực, hàng năm dịp cúng cụ Nguyễn là lúc bà con thu hoạch xong vụ lúa, vừa có tiền, vừa rảnh rỗi nên ai cũng phấn khởi, tươi vui, hết lòng, hết sức, góp công, góp của chăm lo cho ngày giỗ của cụ được tươm tất.

“Bắt đầu từ tháng Tám âm lịch, nhân dân khắp nơi đã đến đình làm công đức. Người đến đình như là được trở về gia đình, làm giỗ tổ tiên mình… Truyến thống “uống nước nhờ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta thể hiện rất rõ qua tấm lòng của nhân dân đối với cụ Nguyễn”- ông Thành nói.

Ông Cao Văn Nhản, một người làm công đức đến từ huyện Phú Tân (An Giang) bộc bạch: “Hàng năm, dù có bận bịu, hoặc bệnh tật nhưng còn đi được thì gần đến ngày giỗ của cụ Nguyễn, tôi cùng bà con sang đây đóng góp công sức tỏ lòng thành kính, tôn thờ công ơn của cụ Nguyễn đã xả thân vì dân, vì nước”.

Còn ông Mai Văn Đại ở Ô Long Vĩ, huyện Tịnh Biên (An Giang) cho biết, năm nào cũng vậy, đến dịp là ông và mọi người thu xếp mang ít sản vật của quê hương như: giạ gạo, giạ nếp, nải chuối, ký khoai, chục khóm… thành kính dâng lên cụ Nguyễn và ở lại đây để tiếp giúp mọi việc cho ngày giỗ của cụ được tươm tất, trọng thể.

Nét độc đáo và riêng biệt của Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là những người đến đình cúng, viếng, chiêm bái không chỉ được ăn, uống, xem văn nghệ miễn phí, mà còn được ngủ nghỉ, khám bệnh bốc thuốc miễn phí.

Hiếm có một lễ hội nào ở đồng bằng sông Cửu Long mà hầu như tiền của, nhân lực tổ chức và phục vụ lễ hội đều do người dân đóng góp.

Hàng chục tấn gạo, hàng trăm tấn thực phẩm, hàng ngàn chiếc võng, thuốc men… phục vụ gần triệu lượt khách viếng đình trong mấy ngày hội đều từ sự cung tiến, đóng góp của người dân trong và ngoài tỉnh.

146 năm trôi qua kể từ ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, trước đây là lễ giỗ nay đã trở thành một lễ hội truyền thống đặc sắc của người dân Nam Bộ. Thời gian đã minh chứng, sự kiện này đã tự thân lan tỏa và có sức sống lâu bền trong đời sống nhân dân đương đại. Vì vậy, để lưu giữ đồng thời phát huy di sản phi vật thể quý giá, tỉnh Kiên Giang đã đi đúng hướng khi mạnh dạn xã hội hóa, đưa tài sản này về với nơi đã bắt nguồn và sản sinh ra nó.

Bắt đầu nghi thức trải chiếu Tà Niên rước sắc thần - Ảnh: Khoa Nam
Bắt đầu nghi thức trải chiếu Tà Niên rước sắc thần – Ảnh: Khoa Nam
Hàng ngàn người dân tập trung về công viên Nguyễn Trung Trực chứng kiến lễ rước sắc thần và nghi thức dâng hương - Ảnh: Nguyễn Định
Hàng ngàn người dân tập trung về công viên Nguyễn Trung Trực chứng kiến lễ rước sắc thần và nghi thức dâng hương – Ảnh: Nguyễn Định
Người dân khắp nơi cùng chăm lo cho hoạt động lễ hội. Trong ảnh: gói bánh phục vụ ngày hội - Ảnh: Danh Hiệp
Người dân khắp nơi cùng chăm lo cho hoạt động lễ hội. Trong ảnh: gói bánh phục vụ ngày hội – Ảnh: Danh Hiệp
Người dân tình nguyện làm thức ăn phục vụ lễ hội - Ảnh: Nguyễn Định
Người dân tình nguyện làm thức ăn phục vụ lễ hội – Ảnh: Nguyễn Định
Tàu L’ Espérance được phục dựng - Ảnh: Nguyễn Định
Tàu L’ Espérance được phục dựng – Ảnh: Nguyễn Định
Đoàn nữ tướng Cửu Long tham gia diễu hành - Ảnh: Nguyễn Định
Đoàn nữ tướng Cửu Long tham gia diễu hành – Ảnh: Nguyễn Định
Hàng ngàn người dân tập trung về công viên Nguyễn Trung Trực chứng kiến lễ rước sắc thần và nghi thức dâng hương - Ảnh: Nguyễn Định
Hàng ngàn người dân tập trung về công viên Nguyễn Trung Trực chứng kiến lễ rước sắc thần và nghi thức dâng hương – Ảnh: Nguyễn Định

 

Xem thêm