Chuyện Tiền Thân Kỳ 18 – Tiền Thân Kanha

            Sau khi hiện thần thông song hành, từ thiên giới, bậc Chánh đẳng giác đi xuống thành Sankassa, trong ngày đại lễ Tự Tứ với một đoàn tùy tùng lớn. Ngài đi vào Kỳ Viên. Các tỷ kheo đang ngồi họp ở pháp đường, tán thán đức hạnh bậc Đạo Sư, nói rằng: Này các hiền giả, Như Lai không có ai sánh bằng, không một ai khác có thể mang một gánh nặng như Như Lai. Sáu ngoại đạo sư nói: Chúng ta sẽ hiện thần thông, chúng ta sẽ thi thố thần thông! Tuy nói vậy nhưng không hiện được thần thông nào. Ôi, bậc Đạo Sư, thật không ai sánh bằng!
            Bậc Đạo Sư đi đến và hỏi: Này các tỷ kheo, nay các ngươi ngồi họp ở đây bàn câu chuyện gì? – Bạch Thế Tôn, không có gì khác ngoài câu chuyện tán thán đức hạnh Thế Tôn.
            Bậc Đạo Sư nói: Này các tỷ kheo, nay ai sẽ mang gánh nặng do Ta mang? Trong thời quá khứ, khi sanh làm thú, không một ai so sánh với Ta được!
            Nói xong, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ:
***
            Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ tát sanh làm một con bò. Khi bò còn là nghé, những người chủ sống trong nhà một cụ già đem Bồ tát cho cụ để giải quyết tiền ở trọ. Bà nuôi dưỡng Bồ tát như con ruột, cho Bồ tát ăn cháo và cơm. Bồ tát được gọi là Con Bò Đen của bà cụ. Lớn lên, Bồ tát có sắc lông đen láng, thường đi với các con bò hiền lành trong làng. Trẻ con ở làng thường nắm sừng, nắm tai, đeo cổ, nắm đuôi chơi và ngồi lên lưng.
            Một hôm, Bồ tát suy nghĩ: Mẹ ta sống khổ cực, xem ta như con đẻ, nuôi dưỡng ta rất khó khăn. Vật ta hãy làm ra tiền để giải thoát bà ra khỏi khổ cực này. Từ đó trở đi, Bồ tát cố gắng tìm cho ra tiền. Một hôm, người chủ trẻ của đoàn lữ hành, với 500 cỗ xe, đi đến một khúc sống cạn rất gồ ghề. Các con bò của nó không thể kéo các cỗ xe qua được. Những con bò của 500 cỗ xe được cột vào cáng xe liên tục với nhau cũng không thể kéo một cỗ xe qua được. Bồ tát cùng các con bò làng đi đến khúc sông cạn. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành, biết đánh giá loài bò, đang tìm trong những con bò này, có con bò nào giống tốt có thể kéo những cỗ xe của nó qua được. Thầy Bồ tát, biết con bò giống tốt này có thể kéo được những cỗ xe, nó liền hỏi những người chăn bò: này bạn, ai là chủ con bò này? Cột nó vào những cỗ xe, kéo qua được, tôi sẽ trả tiền thuê!
            Các người chăn bò nói: hãy bắt cột nó vào, tại chỗ này không ai là chủ con vật. Người chủ trẻ cột dây vào mũi kéo đi, như con bò không di động. Bồ tát không đi khi chưa được trả giá. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành biết được ý định của con bò, nói rằng: này chủ, ta sẽ trả cho ngươi một ngàn đồng tiền thuê kéo 500 cỗ xe. Lúc ấy Bồ tát mới chịu đi. Lúc ấy, người ta cột nó vào cỗ xe. Với sức mạnh siêu việt, bò đã lần lượt kéo hết 500 cỗ xe lên bờ bên kia. Nhưng người chủ trẻ đoàn lữ hành chỉ trả phân nửa số tiền đã hứa bằng cách gói năm trăm đồng và treo nơi cổ con bò. Bồ tát suy nghĩ: người này không trả cho ta tiền thuê như đã định. Vậy ta không cho nó đi. Rồi Bồ tát đứng chận đường trước cỗ xe, những người trong đoàn lữ hành dù cố gắng cách mấy cũng không dắt đi được.
            Người chủ trẻ của đoàn lữ hành suy nghĩ: hình như nó biết ta trả không đủ tiền nên không chịu đi. Nghĩ xong, liền gói một ngàn đồng cột nơi cổ Bồ tát và nói: Đây là một ngàn đồng tiền công của ngươi. Bồ tát mang gói tiền đi đến bà cụ. Trẻ con trong làng thấy con bò đen có đeo một vật gì nơi cổ bèn chạy lại định lấy, nhưng Bồ tát đã đuổi chúng ra xa. Vì phải ráng hết sức kéo 500 cỗ xe nên Bồ tát rất mệt mỏi với đối mắt đỏ ngầu. Bà cụ thấy gói tiền nơi cổ con bò, thắc mắc hỏi lũ trẻ làng và được chúng thuật lại cặn kẽ. Bà cảm động nói với Bồ tát: Này con thân, ta đâu có muốn sống nhờ tiền công con làm, sao con lại chịu khổ nhọc như vậy? Nói xong, bà cụ lấy nước nóng tắm cho con vật, thoa dầu toàn thân, cho uống nước và ăn đồ ăn thích hợp.
***
            Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Đạo Sư nói lên bài kệ :
Với gánh nặng phải mang
Với khúc sông phải qua
Chúng cột con bò đen
Bò kéo đi gánh nặng
            Thế Tôn kết hợp cả hai câu chuyện với nhau và nhận diện tiền thân như sau :
            -Lúc ấy, bà cụ là Uppalavanna
            -Con bò đen của bà cụ chính là Ta vậy.
 
CHÚ THÍCH :
            –Năm trăm cỗ xe : ngày xưa, trong xã hội Ấn Độ, người đương thời có thói quen dùng các con số như năm trăm, một ngàn, hằng hà sa… để chỉ số ước lượng.
            Thí dụ :
            +Muốn nói con số nhiều vừa phải thì người ta dùng số “năm trăm”
            +Muốn nói con số lớn hơn thì dùng số “một ngàn”
            +Muốn nói con số lớn vĩ đại thì người ta dùng từ “hằng hà sa” v.v…
Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN :
            Câu chuyện này, Thế Tôn chỉ cho chúng ta thấy rằng trong rất nhiều kiếp trước, dù trong hình dáng nào, Ngài cũng đều làm những việc vĩ đại vì chúng sanh.

Xem thêm