Nhạc Sến

            Tôi không thích nhạc sến nhưng cũng cầm lấy đĩa nhạc lên xem. Đọc qua danh mục các bài hát được ghi trong đĩa, tôi choáng váng, nhạc này mà cô gọi là nhạc sến sao? Mục lục ghi rõ ràng : 1.Làng Tôi (Văn Cao); 2.Chuyển Bến (Đoàn Chuẩn & Từ Kinh); 3.Tà Áo Xanh (Đoàn Chuẩn & Từ Linh); 4.Lời Người Ra Đi (Trần Hoàn); 5.Đàn Chim Việt (Văn Cao);  6.Tôi Bán Đường Tơ (Thẩm Oánh);  7.Cô Lái Đò (Nguyễn Đình Phúc & Nguyễn Bính); 8.Trăng Sơn Cước (Văn Phụng & Văn Khôi); 9.Làng Tôi (Chung Quân); 10.Bướm Hoa (Nguyễn Văn Thương & Kim Minh) v.v…
            Những bài hát trên đây, người yêu nhạc đều biết đó là loại nhạc tiền chiến, tức nhạc được sáng tác trước năm 1950. Nhạc tiền chiến được giới yêu nhạc hết sức trân trọng vì từ giai điệu cho đến nội dung đều có sức đi vào lòng người, nhiều nhạc phẩm đã trở thành bất hủ với thời gian.
 
            Trở lại câu chuyện tại nhà sách. Tôi cười, hỏi cô bán hàng: vì đâu cô gọi đây là nhạc sến? Cô cười có vẻ hơi ngượng: dạ, con nghe nhiều người nói thế. Tôi “đế” thêm: vậy, cô biết nhạc sến là nhạc gì không? Đến đây, cô bán hàng chỉ lắc đầu chớ không còn biết nói gì nữa. Tôi chọn lấy vài đĩa nhạc tiền chiến rồi trả tiền, ra về.
 
            Từ câu chuyện trên, tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ về nhạc sến trong bài viết này.
            Do đâu có từ Nhạc Sến? và từ này có nghĩa gì ?
            Theo tôi biết, danh từ nhạc sến ra đời vào khoảng thập niên 1960 – 1970 trong giới âm nhạc tại miền Nam. Danh từ này mang tính khinh khi (nếu không muốn nói là miệt thị) đối với thứ nhạc rẻ tiền, chỉ để cho hạng người bình dân ít học nghe, chứ người trí thức và người có trình độ âm nhạc không bao giờ nghe thứ nhạc đó, hoặc vì lẽ gì đó phải nghe loại nhạc này thì họ cảm thấy rất khó chịu, giống như phải nghe những lời nói thô tháo xuất phát từ cửa miệng kẻ du đãng thất học vậy.
Để các bạn hiểu thêm  vấn đề, tôi xin đi sâu phân tích như sau :
 
            Từ Sến có ý nghĩa gì ?
            Xin thưa, từ này không có trong bất cứ cuốn tự điển nào. Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, từ sến có lẽ xuất phát từ chữ Sen, tức là con ở, người ở, người giúp việc trong nhà, ở đây thiên về người nữ. Từ xa xưa, những cô gái giúp việc nhà được gọi là Con Sen. Sau này, trong văn học miền Nam, có nhà văn nào đó đã có ý khôi hài và có hơi châm biếm, dùng danh từ Mari Sến thay cho danh từ Con Sen trước đây để chỉ các cô gái giúp việc gia đình.
 
            Các cô Mari Sến hồi ấy tuyệt đại đa số là người ít học, trình độ thẩm mỹ về âm nhạc không có, thường thì các cô chỉ ưa thích hát cải lương hơn là tân nhạc, bởi giai điệu các bài hát tân nhạc quá trúc trắc khó hát, ca từ thường cao xa khó hiểu so với trình độ học vấn của các cô. Trong ngữ cảnh này, hình ảnh cô Mari Sến được dùng để chỉ chung cho người bình dân ít học trong xã hội, chớ không phải để chỉ riêng cho các cô gái giúp việc nhà.
 
            Như vậy, Nhạc Sến là chỉ cho loại nhạc được giới bình dân ít học (thí dụ như các cô Sen, cô Sến) ưa thích. Ở đây người viết không dám đơn cử tên một số tác giả và bài hát thuộc loại nhạc sến vì sợ mích lòng (không đáng). Chỉ biết đây là loại nhạc dễ dãi trong giai điệu và thô thiển trong ca từ (đôi khi còn dung tục), nội dung thì nghèo nàn, thường xoay quanh chủ đề tình yêu trai gái. Vào thập niên 1960-1970, nhạc sến thường lấy nhịp điệu Bolero và Hambanera làm chính (nhưng không phải tất cả ca khúc thuộc hai điệu này đều là nhạc sến). Bây giờ, một số không nhỏ các ca khúc gọi là Nhạc Trẻ cũng đi theo con đường nhạc sến xưa kia với phong cách sáng tác vội vàng theo kiểu “Mì ăn liền”.
 
Nhạc sến ngày xưa cũng như nhạc sến ngày nay đều có chung một đặc điểm: đó là sự cẩu thả trong giai điệu và sự dễ dãi trong ca từ. Do đó các bài nhạc sến thường có giai điệu  đơn giản dễ hát, bài nào cũng có giai điệu na ná nhau, chứng tỏ người sáng tác không cố công tìm tòi, sáng tạo (người thích nhạc sến và một bộ phận giới tuổi Teen ngày nay cũng không đòi hỏi gì nhiều ở điểm này!); Về ca từ thì đơn giản như nói chuyện ngoài đời, nghĩ sao nói vậy, nói sao thì viết y như vậy vào bản nhạc, không cần vắt óc suy nghĩ tìm ca từ có tính văn chương, không cần lời văn trau chuốt bóng bẩy (vì văn chương bóng bẩy thì người thích nhạc sến và một bộ phận tuổi Teen bây giờ không hiểu, lấy gì ưa thích!). Về nội dung thì nhạc sến khai thác cạn kiệt lĩnh vực tình yêu nam nữ với những tình tiết rất đời thường mà bất cứ cặp trai gái nào đã yêu và đang yêu đều ít nhiều gặp phải (chính vì vậy mới thu hút được giới bình dân và một bộ phận tuổi teen ngày nay ưa thích).
 
Người viết, người sản xuất và người biểu diễn nhạc sến chỉ chú trọng đến túi tiền nhờ thỏa mãn thị hiếu thấp kém của giới bình dân ít học và một bộ phận tuổi teen ngày nay mà bỏ quên sứ mạng cao cả của người nghệ sĩ là nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc của quần chúng. Tình trạng sáng tác, sản xuất và trình diễn quá nhiều nhạc sến hôm nay khiến cho biết bao nhạc sĩ tâm huyết phải ngao ngán lắc đầu, “bó tay”. 
Rất tiếc là ngày nay, ý nghĩa của hai từ Nhạc Sến đã không còn được giới trẻ hiểu một cách đúng đắn, từ đó “lấy râu ông này cắm cằm bà kia”, gây sự hiểu lầm cho nhiều người,  trong đó có giới trẻ hôm nay.
Xin hãy trả những gì của Cesar lại cho Cesar!
Xin hãy trả danh từ “nhạc sến” lại cho chính loại nhạc sến rẻ tiền.

HOÀI NHẪN
 
THÔNG TIN THÊM TỪ BAN BIÊN TẬP:
Nhà nghiên cứu Trần Văn Giang giải thích nguồn gốc chữ Mari Sến như sau:
Có một dạo khi quân “đồng minh” đến Việt Nam hơi nhiều, các chị đi giúp việc nhà cho các gia đình Tây, gia đình Mỹ, hoặc đi bán “ba” nên có nhiều tiền, nhiều của hơn lúc trước, bắt đầu chưng diện phấn son, tóc “phi dê (uốn tóc,)” mặc đồ đầm, đi guốc cao gót. Nhưng các “chị” vẫn còn một vài vẻ quê mùa nào đó? Cho nên các ông nhà báo, nhà văn lại đặt thêm cho các “chị” ấy một cái tên rất Tây, đó là "Mari Sến! [Có lẽ “Mari Sến” được Việt hóa từ tên gọi “Mariselle?" Dần dà về sau nầy, "Mari Sến" được dùng rộng rãi hơn, để chỉ thêm những bà giàu có mau chóng, bất ngờ, rồi lại học đòi chưng diện nhưng vẫn còn nét quê mùa, nửa tây nửa ta.]
Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn:
Để giải thích nguồn gốc từ “nhạc sến”, xin được nhắc lại là sau cuộc di cư của hàng triệu người miền Bắc vào Nam vào những năm 1954-1955, từ “con sen” dành chỉ các cô giúp việc nhà đã khá phổ biến trong đời sống tại Sài Gòn. Trong ngôn ngữ của một số nhà văn viết phóng sự lúc bấy giờ như Hoàng Hải Thủy, Thanh Nam, Văn Quang…và cả trong ngôn ngữ thường nhật, hai từ “Mari Sến” được dành để giễu cợt các cô sen thường có cách nghĩ, cách sống của lớp người bình dân trong xã hội, mà trong cách sống đó, phổ biến nhất là học và ca những bài hát dễ thuộc, dễ ca. Chính do hai từ “Mari Sến” dành chỉ tầng lớp con sen hay hát dòng nhạc trên mà phát sinh thêm hai từ “nhạc sến”.
Cũng cần nói thêm rằng vào thời đó, các cô giúp việc nhà không chỉ có tên “Mari Sến”, mà còn có thêm một tên giễu cợt nữa là “Mari Phông-tên” (Marie Fontaine). Vào thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, Sài Gòn chưa có nước “thủy cục”, mọi sinh hoạt đều dựa vào các vòi nước công cộng mà người thời đó vẫn quen gọi là “phông – tên nước”. Hàng ngày, người của mỗi gia đình phải quảy cặp thùng nước ra “phông-tên”, xếp hàng chờ đến lượt lấy nước, nhà nào có “con sen” thì trách nhiệm nặng nề này được giao phó cho họ. Các cô ra đến nơi, gác đòn gánh lên cặp thùng, ngồi hát nghêu ngao những bài boléro quen thuộc để quên đi thời gian chờ đợi, và cũng do sự kiện này mà ngoài hai từ “nhạc sến”, người Sài Gòn thời ấy còn dùng từ “nhạc phông-tên” để chỉ dòng nhạc bình dân dễ thuộc, dễ ca theo kiểu “Anh ơi, nếu mộng không thành thì sao? Non cao đất rộng biết đâu…mà… tìm…”.

Xem thêm